Mâu thuẫn giữa một nữ phượt thủ và Hoàng Lê Giang phát sinh khi thời tiết tại điểm đến không như ý khiến cô tốn gần 5.000 USD mà vẫn không thể xem trọn vẹn màn di cư của tuần lộc. Sau chuyến đi, nữ phượt thủ viết về trải nghiệm du lịch tồi tệ và đòi khởi kiện Lê Giang nếu anh không trả lại 100% số tiền.
Hoàng Lê Giang không phải là một cái tên quá xa lạ với nhiều người, bởi anh chính là chàng trai đã kêu gọi dân mạng “vote” cho mình đến Bắc Cực được biết đến từ đầu năm nay. Sau khi chinh phục xong lộ trình 300 km tại Bắc Cực, Lê Giang xin sống chung cùng người Sami ở Na Uy và tự bỏ tiền túi để xem và trải nghiệm chuyến di cư lớn nhất của đàn tuần lộc trong năm. Hành trình trải nghiệm của Lê Giang đã nhận được rất nhiều sự chú ý và ngưỡng mộ từ mọi người.
Tuy nhiên mới đây, trên diễn đàn dành cho dân du lịch bụi nổi tiếng của Việt Nam, Lê Giang đang vướng phải lùm xùm khi một thành viên có nickname HayleyLe đăng tải bài viết với nội dung: “Một trải nghiệm phượt tồi tệ với Hoàng Lê Giang. Tôi viết để các bạn không rơi vào hoàn cảnh giống tôi”.
HayleyLe là một trong 4 phượt thủ đi chung với Lê Giang đến Na Uy xem tuần lộc di cư vào tháng 4 vừa qua. Tuy nhiên khi đến nơi, nữ phượt thủ phát hiện tuần lộc đã di cư gần xong và chẳng còn nhiều thứ thú vị để xem. Cô cho biết mình không nhận được giải thích hay thông báo nào từ phía Lê Giang cũng như đoàn tour du lịch, dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ cho chuyến đi.
Bỏ gần 5.000 USD đến Na Uy nhưng không được xem tuần lộc di cư như hứa hẹn ban đầu?
HayleyLe biết đến chuyến đi này qua một lần vào Facebook của Lê Giang và thấy anh đang tìm bạn đồng hành cho chuyến đi xem tuần lộc ở Na Uy với người Sami. Tuần lộc di cư là một trong những trải nghiệm du lịch kỳ vĩ mà rất nhiều khách du lịch ao ước được một lần ngắm nhìn trong đời. Hàng năm, người Sami lùa đàn tuần lộc vượt qua khu vực phía Bắc, di chuyển từ Karasjok – thủ đô của người Sami, băng qua vùng đồng bằng phủ tuyết trắng tới vùng đảo cỏ xanh mướt phía Nam – tạo thành một cảnh tượng với hàng ngàn chú tuần lộc di chuyển trên vùng tuyết trắng. Cuộc di cư dài hàng trăm dặm, thậm chí mất tới hai tháng mỗi năm.
Tuần lộc sống tản mát trên núi được người Sami tập trung về một điểm và lùa lên tàu, tùy đoàn mà địa điểm sẽ thay đổi. Giai đoạn giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 là cuối mùa di trú của tuần lộc. Khách du lịch thường chọn ngắm tuần lộc vào cuối mùa di trú bởi thời điểm này khí hậu đã ấm hơn, các đàn tuần lộc được tập trung.
Cảnh tượng tuần lộc di cư là một trong những trải nghiệm mà nhiều khách du lịch ao ước được một lần ngắm nhìn trong đời. (Ảnh: Internet).
Trong những lần trao đổi với chàng trai vừa chinh phục Bắc Cực qua mạng, nữ phượt thủ được biết mình là những khách hàng đầu tiên của công ty du lịch của anh. Mọi thanh toán chuyển khoản qua Paypal. Tổng số tiền là 4.900 USD (hơn 111 triệu đồng) cho chuyến đi từ 17/4 đến sáng 23/4.
Bỏ ra khá nhiều tiền và công sức cho chuyến đi nhưng khi đến Na Uy, trò chuyện với người Sami, HayleyLe sững người khi biết rằng đoàn tuần lộc đã di cư sắp xong. Người dân đang cắm trại gần bến cảng chờ ngày đưa đoàn tuần lộc lên tàu. Tàu đã được đặt trước sẽ đến đón đoàn tuần lộc từ đất liền ra đảo là ngày 23/4, nên trong lúc này, người Sami chỉ để đoàn tuần lộc gần cảng làm hàng rào và chờ ngày tàu đến.
Ngay lúc đó, HayleyLe trách Lê Giang đưa đoàn mình đến Na Uy quá muộn nên bỏ lỡ cơ hội ngắm nhìn cảnh tuần lộc di cư – dù cô đã đóng tiền để trải nghiệm cảnh tượng này. Tuy nhiên, HayleyLe vẫn chờ đợi động thái từ người đứng ra tổ chức tour và xem cách Lê Giang giải thích với 4 thành viên còn lại, trong đó có cô về việc không kịp ngắm tuần lộc di cư. Đến tận tối hôm sau, HayleyLe vẫn không thấy Lê Giang có bất cứ động thái xin lỗi hay đề cập đến khoản chi phí phải trả cho chuyến đi không như mong đợi.
Cô ấm ức: “Chúng tôi ăn tối chung một bàn và Giang vẫn không nói gì đến cái lịch trình và ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này. Nếu công ty du lịch mà Giang mua tour cho chúng tôi đi có trách nhiệm liên hệ với chủ nhà và cập nhật tình hình, sau đó báo cho Giang thì không có chuyện chúng tôi đến chỉ để nhìn tuần lộc, cắm trại trên núi sau đó nhìn tuần lộc lên tàu vào sáng 23/4 và chi phí là gần 5.000 USD, chưa bao gồm tiền vé máy bay khứ hồi đến Na Uy. Tôi chỉ biết mình trả tiền cho dịch vụ của Giang, còn chủ nhà anh đã làm tất cả những gì có thể để giúp chúng tôi thấy thoải mái nhất…”.
Sau 2 ngày chờ xem tuần lộc di cư nhưng không thấy, nhóm người quyết định bỏ đoàn vào thành phố, kết thúc sớm chuyến đi.
Ngoài chuyện không có tuần lộc để xem, HayleyLe bức xúc tố Lê Giang tổ chức chuyến đi thiếu chuyên nghiệp, đi vào vùng nguy hiểm mà không có động thái thông báo về vấn đề an toàn cứu hộ.
Khi thời tiết xấu, Lê Giang không có kế hoạch hay phương án khác để thông báo với mọi người, không thấy người của công ty du lịch ra gặp nhóm đi phượt. Nữ phượt thủ cho biết mình cắm trại ở trên núi nên tuyết phủ hầu như quanh năm, sóng điện thoại lúc có lúc không, không có nhân viên y tế đi cùng…
Đêm 22/4, HayleyLe về lại thị trấn, chị gái của anh chủ nhà người Sami cho cô ở nhờ dù cô dự tính sẽ thuê khách sạn. Tối 23/4, nữ phượt thủ ngủ lại trên núi với gia đình. Trưa và gần chiều ngày 24/4 sau khi đoàn tuần lộc đã được lùa vô trong hàng rào được dựng gần bến cảng, HayleyLe giúp các thành viên trong gia đình chủ nhà cho đoàn tuần lộc ăn.
Tối đó khoảng 7 giờ tối, tàu đến và họ bắt đầu đưa khoảng 600 con tuần lộc lên tàu để đưa ra đảo cách đó 3 tiếng đường biển. Ngày 25/4, HayleyLe rời Alta (Na Uy).
Lê Giang: “Đi xong đòi tiền lại, không được thì bêu xấu”
Trao đổi với chúng tôi, Lê Giang tỏ ra không bất ngờ. Anh cho biết đã đọc được những lời nhận xét tiêu cực từ phượt thủ HayleyLe nhưng anh tin nếu là dân du lịch mạo hiểm và từng trải, mọi người sẽ hiểu và thông cảm với anh trong hoàn cảnh này.
Lê Giang gửi cho chúng tôi xem đoạn trò chuyện giữa anh và chủ nhà người Sami, người đã đón tiếp anh và đoàn khách 4 người đến Na Uy xem tuần lộc di cư. Một trong những đoạn nhận xét về phượt thủ HayleyLe, người Sami cho rằng nữ phượt thủ này đã nói dối và bịa đặt nhiều chuyện.
“Tôi và chủ nhà người Na Uy cũng không hiểu sao lại đặt chuyện như vậy luôn. Kiểu cô ấy chưa biết du lich bụi là thế nào, đi xong đòi tiền lại không được thì đi bêu xấu. Có nhiều người biết tôi nên càng dễ hạ bệ uy tín. Tôi đi bao nhiêu lần rồi, ai cũng là bạn sau chuyến đi. Nếu thât sự tôi đi vô trách nhiệm như vậy thì 3 người còn lại có để yên không? Tôi còn giữ cả email tống tiền của cô ấy đây”, Lê Giang chia sẻ.
Lê Giang phủ nhận chuyện mình nhận 5.000 USD mà tổ chức tour không ra gì. Anh khẳng định tất cả số tiền đó sẽ được chuyển cho công ty du lịch, và bảo hiểm cho thành viên trong đoàn Lê Giang tự đi mua.
Tuy nhiên, 5.000 USD mà HayleyLe nhắc đến thực chất vẫn chưa đến tay Lê Giang hay công ty du lịch.
Phượt 8X chia sẻ: “Cô ấy đến nơi, ăn uống no say bình thường. Hai hôm sau trời không có nắng, cô ấy và mọi người đòi về lại thành phố, đó là quyết định chung. Tôi đi về chung. Về thành phố rồi cô ấy lại nghĩ như vậy thì tốn tiền quá nên về đòi lại 100% số tiền gửi qua paypal mặc dù đã ăn uống của người ta. Tôi không biết cô này có tính toán trước chuyện này không vì cô ấy là người đề nghị gửi tiền qua paypal. Đi xong cả chuyến giờ hoãn không chuyển tiền qua.
Cô ấy nói nếu tôi không trả tiền sẽ khởi kiện. Vì không có bằng chứng nên giờ cô ấy mới lên viết lung tung và phiến diện như thế. Trong những bức ảnh chụp tại Na Uy, mọi người đều tươi cười vui vẻ, có thấy giống như những gì cô ấy nói không?”.
Theo Lê Giang, phượt thủ HayleyLe có lẽ đã xác định sai mục đích của chuyến đi nên dẫn tới tâm lý dễ thất vọng và kích động. Nữ phượt thủ than phiền việc Lê Giang không thông báo trước cho đoàn chuyện tuần lộc đã di cư xong vì lý do thời tiết, thực chất, thời tiết Bắc Cực rất khó đoán, bản thân người đi du lịch mạo hiểm phải chấp nhận những điều không như ý trong chuyến đi.
“Thời tiết Bắc Cực tuyết, gió là chuyện bình thường. Mấy lần trước tôi đi băng tan, sạt lở, động đất tôi đều phải tự chi hết. Chưa ai đi du lich mà không biết mấy việc này. Mặt khác, mục đích của chuyến đi này không chỉ để ngắm tuần lộc di cư, bạn còn được trải nghiệm những khoảnh khắc sinh hoạt chung, sống chung với người Sami, đi trong mưa gió và biết được cuộc sống thật sự ở đó. Chi phí 5.000 USD cho bằng ấy ngày ở Na Uy là bình thường vì đây là nước đắt nhất thế giới. Số tiền này đã bao gồm cả bảo hiểm du lịch. Tôi đi lần này là để quen người dân địa phương. Sau này đi với tôi thì không bị phí trung gian qua agency nữa, lần này là bạn đi theo mà chứ tôi có quen biết gì trước đâu”, Lê Giang bộc bạch.
Lê Giang khẳng định chuyện cắm trại trên núi tuyết phủ không quá nguy hiểm như lời HayleyLe miêu tả. So với lúc anh đi xe chó kéo ở Bắc Cực thì chuyện cắm trại ở khu người Sami sống khá bình thường. Thậm chí, hôm đi xe chó kéo còn lạnh hơn, gió lớn hơn. Bản thân anh đã quen với cách tìm hướng nên khá bình tĩnh. Lê Giang luôn có la bàn bên người, quần áo cung cấp chịu được nhiệt độ -40 độ C, điện thoại có sóng nên không có gì nguy hiểm cả.